Cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được ví von như “cỗ xe tam mã”, gồm 3 con ngựa đó là Đầu tư công, Xuất khẩu và Tiêu dùng. Trong bối cảnh tiêu dùng chưa thể hoàn toàn hồi phục hoàn toàn do những tác động nặng nề của đại dịch thì xuất khẩu và đầu tư công đang nổi lên là hai đầu kéo đem lại nhiều triển vọng tích cực. Đáng chú ý, đầu tư công đang được nhận sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ với hàng loạt dự án hạ tầng như Cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành, Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Sân bay Phan Thiết…
Trong năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công được giao của Bộ Giao thông vận tải là 43.401 tỷ đồng và dự kiến đến hết tháng 01/2022 sẽ giải ngân đạt 96% kế hoạch; tiến tới năm 2022, con số kế hoạch vốn đầu tư công dự kiến sẽ đạt mức 50.000 tỷ đồng, tâm điểm trong năm 2022 hướng tới 12 dự án thuộc Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021- 2025, tổng chiều dài của 12 tuyến là 729 km, đầu tư theo quy mô phân kỳ 4 làn xe, với tổng giá trị 146,990 tỷ đồng. Thậm chí, chỉ trong thời gian hơn 2 tháng vừa qua, phương án đầu tư cho 12 dự án này được thay đổi đến 3 lần.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset cho rằng việc trình Quốc hội về chuyển phương thức đầu tư của toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 thể hiện Chính phủ đang khẩn trương và quyết liệt sử dụng đầu tư công là một trong những công cụ kích cầu đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều nhóm ngành nghề, mà nổi bật là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
Do đó Mirae Asset đưa ra kỳ vọng tích cực đối với doanh nghiệp xây dựng, xây lắp, hạ tầng đang niêm yết nhờ việc hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ. Cụ thể, báo cáo lựa chọn một số cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng, đối với nhóm dân dụng là CTD, HBC, HTN, VCG trong khi nhóm công nghiệp, hạ tầng gồm VCG, HHV, CII, LCG, FCN, C47, TCD.
Mirae Asset kỳ vọng nhóm cổ phiếu này có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này.
Chung quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh ra đầu tư công đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính Phủ để phục hồi nền kinh tế trong năm 2022. Trong bối cảnh đó, các nhà thầu xây dựng dân dụng cũng bắt đầu xem xét và nghiên cứu mảng xây dựng cơ sở hạ tầng như là động lực tăng trưởng mới trong những năm tiếp theo.
Từ đó, VDSC cho rằng Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc giải ngân cơ sở hạ tầng từ năm 2022 để phục hồi nền kinh tế sau cú sốc COVID-19, các nhà thầu xây dựng có tên trong các dự án hạ tầng lớn sẽ hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng trên.
Dẫn số liệu của Fitch Solutions, giá trị ước tính của ngành xây dựng sẽ đạt gần 1.100 nghìn tỷ đồng (CAGR 2020 – 2030 là 10,6%) trong năm 2030. Với những kế hoạch gần đây về quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng giao thông đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.
Mặt khác, VDSC kỳ vọng thị trường bất động sản tích cực trong năm 2022 cũng sẽ góp phần cho quá trình phục hồi của ngành xây dựng khi các nhà thầu xây dựng sẽ có nhiều hợp đồng kí mới hơn trong thời gian tới. Cụ thể, chỉ riêng trong quý 4/2021, dấu hiệu của sự hồi phục này đã xuất hiện, rõ ràng nhất là khi Cotecons (CTD) cho biết tổng thầu trúng là 25.000 tỷ, riêng quý 4 ước tính chiếm 10.000 tỷ (trên tổng số 25.000 tỷ), nhờ phía Nam dần hồi phục và bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong khi đó, “ông lớn” Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng ghi nhận 2 dự án mới trúng thầu có tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đổng, lũy kế giá trị trúng thầu từ đầu năm 2021 của HBC là 16.054 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch 14.000 tỷ đồng của cả năm 2021.
VDSC chỉ điểm CII, HHV, C4G là những công ty có hợp đồng trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, kỳ vọng hưởng lợi lớn nhất trong năm 2022.