Trong báo cáo gần đây nhất công bố vào tháng 10 năm ngoái, Worldsteel – chiếm khoảng 85% sản lượng thép toàn cầu – dự báo nhu cầu thép năm 2020 sẽ tăng 4,1%.
Các số liệu dự báo này dựa trên giả định rằng các làn sóng Covid-19 thứ 2 hoặc thứ 3 hiện đang diễn ra ở nhiều nước/khu vực trên thế giới sẽ dần ổn định vào quý II/2021 và những tiến triển trong chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sẽ mang lại hiệu quả làm suy yếu dịch bệnh, cho phép các nền kinh tế dần bình thường trở lại, nhất là những nước sử dụng nhiều thép.
Nhận xét về triển vọng thị trường, ông Al Remeithi, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Thế giới của Worldsteel, cho biết, “Bất chấp những tác động thảm khốc của đại dịch đối với cuộc sống và sinh kế, ngành thép toàn cầu đã may mắn kết thúc năm 2020 với nhu cầu thép chỉ giảm nhẹ. Đó là nhờ sự hồi phục mạnh mẽ đáng ngạc nhiên ở Trung Quốc, với mức tăng trưởng 9,1%. Ở phần còn lại của thế giới, nhu cầu thép giảm 10,0%. Trong những năm tới, nhu cầu thép dự báo sẽ phục hồi vững chắc, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, được hỗ trợ bởi nhu cầu bị dồn nén đến lúc bung ra và các chương trình của các chính phủ nhằm kích thích kinh tế hồi phục trở lại. Tuy nhiên, đối với hầu hết các nền kinh tế phát triển, cần phải mất vài năm để nhu cầu thép trở lại mức trước đại dịch.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự phục hồi khá mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới” (ý nói các nước ngoài Trung Quốc), Tổng giám đốc của Worldsteel, Edwin Basson cho biết trong một bài thuyết trình trực tuyến.
Theo ông Basson, lĩnh vực ô tô đang phục hồi trong khi lĩnh vực xây dựng gặp nhiều khó khăn trong suốt thời gian đại dịch xảy ra, nhưng hoạt động xây dựng tại gia đã và đang phát triển nhanh.
Về lĩnh vực ô tô, Worldsteel dự báo ngành này sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ việc gia tăng mạnh sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân để tránh lây nhiễm Covid-19 và tiết kiệm ngân sách cho các gia đình. Sự hồi phục sẽ đặc biệt mạnh ở Mỹ, với sản lượng ô tô năm 2021 sẽ vượt năm 2020. Ngành ô tô toàn cầu đến năm 2022 dự báo sẽ hồi phục trở lại như mức của năm 2019.
Về lĩnh vực xây dựng, ông Basson cho biết: “Mọi người phải ở nhà, trong nhiều trường hợp, họ dư thừa tiền mặt và họ phải làm gì, họ bắt đầu xây dựng lò sưởi mới, nhà để xe và đủ thứ, và tất cả những thứ đó gộp lại đòi hỏi lượng cầu thép khá lớn”.
Mặc dù hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch sẽ qua đi, vẫn còn những yếu tố không chắc chắn đáng quan ngại về thị trường từ nay đến cuối năm 2021. Sự biến thể không ngừng của virus khiến số ca nhiễm gia tăng trở lại ở nhiều nơi và tiến trình tiêm chủng có nơi, có lúc bị chệch choạc; việc một số nước cắt giảm các chính sách hỗ trợ tài chính; căng thẳng địa chính trị và căng thẳng thương mại… đều có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của thị trường thép.
Ngoài ra, có hai thách thức lớn đối với ngành thép toàn cầu trong tương lai, đó là sự hạn chế khí thải carbon và các rào cản về thương mại.
Mặt khác, sự hồi phục của lĩnh vực ô tô đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, nhất là thiếu hụt chip bán dẫn và các bộ phận khác.
Trong tương lai, những thay đổi về cấu trúc trong một thế giới hậu đại dịch sẽ dẫn đến sự thay đổi trong bức tranh nhu cầu thép. Ngành thép sẽ thấy những cơ hội lớn từ sự phát triển nhanh chóng thông qua số hóa và tự động hóa, các sáng kiến cơ sở hạ tầng, tái thiết ở các trung tâm đô thị và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh. Tất cả những điều đó dẫn tới nhu cầu ngày càng cao đối với các loại thép sử dụng nguyên liệu chất lượng cao, có mức độ phát thải khí thấp.
Tham khảo: Worldsteel